1. Khái quát về điều kiện địa lý tự nhiên và quá trình hình thành làng xã Cẩm Ninh.
Xã Cẩm Ninh là xã nằm ở phía Tây Nam của huyện Ân thi, cách trung tâm huyện khoảng 3km. Phía bắc giáp với xã Đặng Lễ, thị trấn Ân Thi và xã Nguyễn Trãi. Phía đông giáp với xã Nguyễn Trãi. Phía nam giáp với xã Hồ Tùng Mậu, xã Đặng Lễ và xã Nhân La, huyện Kim Động. Phía tây giáp với xã Đặng Lễ. Xã có 7 thôn, diện tích đất tự nhiên là 488 ha, diện tích đất canh tác 310 ha, dân số 5186 khẩu và 1760 hộ.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 80% năm 2005 xuống còn 60% năm năm 2021.Tỷ trọng công nghiệp xây dựng tăng từ 17% lên 20%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 25 triệu đồng năm 2010 lên 40 triệu đồng năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm, hiện còn 2,6%. Trên địa bàn xã có 7/7 thôn đạt danh hiệu Làng Văn Hóa. Xã đã hoàn thành đạt chỉ tiêu nông thôn mới năm 2020.
Đảng bộ xã Cẩm Ninh có 326 Đảng viên sinh hoạt trong 12 chi bộ trong đó có 185 đồng chí được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên và vào tháng 11 năm 2022 có 01 đồng chí được vinh dự nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Đến nay, xã có 15 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 35 cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa,117 liệt sỹ và hiện còn 51 thương binh, bệnh binh.
Các danh hiệu khen thưởng: 01 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 25 Huân chương chiến thắng; 10 Huân chương kháng chiến; 02 Huân chương lao động; 125 Huy chương chiến thắng, kháng chiến, 22 Cờ thi đua các loại; Có 10 gia đình được tặng Bằng khen có công với nước( Trong đó có 02 nhà sư là trụ trì chùa Ninh Thôn và chùa Đền Xá)
Ngày 15/8/2003 Chủ tịch nước ký Quyết định số 522/KT-CTN phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể Nhân dân và LLVT xã Cẩm Ninh đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sự thuận lợi về điều kiện địa lý, địa hình tự nhiên còn có ý nghĩa đặc biệt góp phần quan trọng việc xây dựng và phát triển lực lượng cùng cả tỉnh, cả nước tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
1.2. Quá trình hình thành làng xã, đơn vị hành chính
Trải qua những biến động lịch sử mà đơn vị hành chính của Cẩm Ninh ngày nay đã qua nhiều lần thay đổi. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945(thời thuộc Pháp) 7 thôn hiện nay còn là hai xã khác nhau: Thôn La Chàng, Cẩm La và Ninh Thôn là xã La Chàng. Còn 4 thôn: Đông Bạn, Bình Xá, Yên Xá, Lã Xá là xã An Canh. An Canh và La Chàng thuộc tổng An Canh, phủ Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Trước ngày bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và xã(26/4/1946), xã La Chàng đổi tên thành xã Cộng Hòa, xã An Canh đổi tên thành xã Ái Quốc. Tháng 5/1948 để tiện cho việc chỉ đạo kháng chiến, Ủy ban hành chính huyện Ân Thi quyết định hợp nhất hai xã Cộng Hòa và Ái Quốc làm một lấy tên là xã Trần Phú. Xã Trần Phú lúc đó vẫn còn 8 thôn. Đến năm 1956, thôn Thọ Hội cắt về xã Đặng Lễ, xã Trần Phú còn lại 7 thôn. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xã Trần Phú đổi tên thành xã Cẩm Ninh và được giữ vững cho đến ngày nay.
2. Điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội
2.1. Về kinh tế
- Sản xuất nông nghiệp: Diện tích gieo, trồng hàng năm 278ha đạt 99.2% so với kế hoạch, trong đó: 254ha trồng lúa, 50.8ha hoa màu các loại, năng suất lúa đạt 125tạ/ha.
Về chăn nuôi: Vận động nhân dân tái sản xuất đàn lợn trở lại, phấn đấu đến năm 2023 đàn lợn trên địa bàn xã đạt 1.600 con, duy trì và phát triển đàn gia cầm năm 2022 đạt 82.000 con.
Về thủy sản: Toàn xã có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 20ha; tổng sản lượng bình quân 80 tấn/ha. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác được nhân dân áp dụng đồng bộ mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt vượt trội mang lại sản lượng và giá trị kinh tế cao. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung nhất tại thôn Đông Bạn với hơn 17.2ha đang được UBND huyện đầu tư chuẩn bị đưa vào sản xuất.
Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư xây dựng, hệ thống kênh mương nội đồng về cơ bản đã được kiên cố hóa, đáp ứng 100% diện tích tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay 100% hộ dân trên địa bàn xã được dùng điện lưới quốc gia, xã có 07 trạm biến áp; 100% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn, nhân dân sử dụng nước sinh hoạt chủ yếu là nước sạch (70%), nước giếng khoan có hệ thống lọc và nước mưa qua xử lý (30%) đảm bảo an toàn vệ sinh trong sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đang được đầu tư đồng bộ phục vụ các khu nhà ở cho chuyên gia cụm công nghiệp lân cận tại thôn Bình Xá, Yên Xá; khu nhà ở cho công nhân tại thôn Cẩm La. Các tuyến đường nội đồng đã được bê tông hóa, mương máng thủy lợi luôn được khơi thông tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sản xuất nông nghiệp, đi lại của nhân dân. Xã có tuyến đường huyện lộ ĐH65 chạy qua về hướng từ Đặng Lễ đến Cầu Ngọc, xã Nguyễn Trãi đang thi công rộng mặt 7m đổ áp-phan.
- Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tập trung khuyến khích phát triển thế mạnh các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: sản xuất cơ khí, đồ gỗ, xây dựng, may mặc, mỹ nghệ,…từng bước nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở tạo việc làm cho nhân dân trong xã.
- Dịch vụ, thương mại: Là một xã thuần nông, nhân dân quen với sản xuất nông nghiệp nên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, thương mại còn chưa có chiều sâu. Hiện nay chủ yếu là kinh doanh dịch vụ hàng hóa nhu yếu phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nguồn thu chủ yếu dựa vào việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài mang lại, đây cũng là nguồn kinh tế lớn cho các hộ gia đình.
2.2. Về văn hóa - xã hội
Là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Ân Thi (4/1941) tiền thân của Đảng bộ huyện và là nơi thành lập Ban tỉnh ủy lâm thời (7/1941) tiền thân của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Trải qua nhiều biến động của dòng lịch sử dân tộc, vùng đất Cẩm Ninh cũng là cái nôi của nền văn hóa dân tộc. Đây cũng là một vùng đất tiếp nhận từ rất sớm những tư tưởng tôn giáo chính thống tiêu biểu là Phật giáo ảnh hưởng của Văn hóa Đông A. Đạo Phật phát triển mạnh mẽ trở thành tôn giáo chính trong đời sống của nhân dân. Tiêu biểu cho minh chứng lịch sử đó là di tích lịch sử văn hóa Chùa Đền Xá được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Phản ánh đời sống tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng của nhân dân qua các thời kỳ lịch sử.
Cũng như nhiều vùng quê khác, người Cẩm Ninh có truyền thống uống nước nhớ nguồn được thể hiện trong việc thờ cúng tổ tiên, các anh hùng dân tộc, các vị thần... Bên cạnh đó luôn gìn giữ và phát huy được những giá trị tốt đẹp trong các mối quan hệ xã hội như gia đình, dòng tộc, láng giềng, hôn nhân...
Người Cẩm Ninh - Ân Thi vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Trong thời kỳ phong kiến, cùng với sự phát triển chung của Nho học trong cả nước, ở Ân Thi đã xuất hiện nhiều nhân tài thành đạt trong đường khoa cử. Dưới chế độ mới, nhất là trong thời kỳ đổi mới, học trò Cẩm Ninh chuyên cần học tập, lập nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều con em đã trở thành sinh viên các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp trong cả nước. Đây là nguồn nhân lực lao động chất lượng cao góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 trường học (1 trường Tiểu học và THCS, 1 trường Mầm non). Cấp Trung học cơ sở và cấp Tiểu học đã được phổ cập giáo dục. Ở cấp Mầm non các em đến trường đúng độ tuổi. Cả 2 trường đều được công nhận và giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia.
Toàn xã có 7/7 thôn có nhà văn hoá, trong đó tất cả các nhà văn hoá thôn đạt chuẩn nông thôn mới; có 02 sân chơi thể thao cỏ nhân tạo với đầy đủ hệ thống phụ trợ. Tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%.
Công tác y tế, dân số, chăm sóc sức khỏe được đảm bảo, cơ sở vật chất, thiết bị y tế còn khó khăn nhưng công tác phòng chống dịch bệnh luôn được chủ động nên trên địa bàn không có dịch bệnh xảy ra, bên cạnh đó công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được chăm lo thường xuyên.
Vượt lên trên hết đó là truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước. Đây là truyền thống tốt đẹp của nhân dân Cẩm Ninh - Ân Thi trong các thời kỳ lịch sử dân tộc. Cụ thể là trong thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân Ân Thi nói chung đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cùng vua quan và quân đội nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi cuối thế kỷ XIII; chống giặc Minh xâm lược thế kỷ XV; hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp từ những ngày đầu ngay trên quê hương mình khi chúng mới đặt chân đến đô hộ nước ta. Cuộc khởi nghĩa Ba Đình lịch sử trước hết được hình thành từ những giá trị truyền thống tốt đẹp làng xã Ân Thi nói chung Cẩm Ninh nói riêng.
Điểm xuyết qua những sự kiện tiêu biểu trên để minh chứng Cẩm Ninh - Ân Thi là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Những giá trị tinh thần đó được kết tinh thành sức mạnh vô địch trong cộng đồng làng xã. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, sức mạnh ấy kết thành một làn sóng nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước. Có thể khẳng định, truyền thống yêu nước là di sản vô giá ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân Cẩm Ninh. Truyền thống đó sau này tiếp tục được phát huy khi nhân dân được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo. Trong thời kì tiền khởi nghĩa, đất và người Cẩm Ninh giữ vị trí là An toàn khu góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng cách mạng tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách đô hộ của thực dân và phong kiến. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhân dân Cẩm Ninh đã góp sức người sức của cùng cả nước đánh đuổi kẻ thù gìn giữ nền độc lập dân tộc và xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.