ĐẢNG BỘ CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN XÃ CẨM NINH QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2025 CÙNG CẢ NƯỚC BƯỚC VÀO "KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH"! ------- NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2025)

Trang chủ/ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

  11/04/2025     |  Lượt xem 9   

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bài viết "Học tập suốt đời"

Ngày 2/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Học tập suốt đời”. Nội dung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập. Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội. Bài viết của Tổng Bí thư đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực từ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Quan điểm của Tổng Bí thư về việc hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân, trong đó có nông dân. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, phổ cập kiến thức về khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao. Khi người nông dân thực sự làm chủ kiến thức, dám đổi mới và sẵn sàng ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững, tạo ra giá trị cao hơn. Đó cũng là con đường để nông dân không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, mà còn góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế địa phương.

Bài viết về “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa vô cùng quan trọng và có giá trị quý báu sâu sắc. Theo đó học tập suốt đời là một hành trình kéo dài và không bao giờ kết thúc. Bài viết như nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết nêu cao trách nhiệm và đặt ra những mục tiêu cụ thể trên con đường học tập suốt đời của mỗi người. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế và đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì việc “học tập suốt đời” lại rất cần thiết và cấp bách, giúp cho những người trẻ trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mới, phát triển tư duy sáng tạo, nắm bắt những xu hướng mới, áp dụng công nghệ tiên tiến góp phần xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để thế hệ trẻ hiện nay nhận thức sâu sắc rằng học tập suốt đời là trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội giúp các bạn chủ động hơn trong việc học tập để cập nhật và nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn trong thời gian qua cũng rất quan tâm tổ chức nhiều hoạt động cho các bạn đoàn viên thanh thiếu nhi giao lưu, trải nghiệm nâng cao trình độ, kỹ năng ở nhiều lĩnh vực: Các cuộc thi sáng tạo xanh, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, các cuộc thi tiếng Anh... tạo môi trường học tập lành mạnh và giúp truyền cảm hứng về việc nâng cao kiến thức trình độ cho cán bộ, đoàn viên thanh thiếu nhi.

Hiện nay, tầm nhận thức tại vùng sâu, vùng xa còn mang tính trông chờ, ỷ lại, xem nhẹ việc học. Hơn lúc nào hết cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy được tầm quan trọng của việc học, từ đó họ mới phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em mình. Ngoài ra, tiếp tục rà soát chế độ chính sách phù hợp cho người học ở những vùng khó khăn, vùng sâu, trình độ dân trí thấp: Như chính sách hỗ trợ các loại bảo hiểm giống như miễn học phí, chế độ sữa học đường... Bên cạnh đó muốn thu hút sự nhiệt tình của đội ngũ nhà giáo gắn với vùng khó khăn thì chế độ đãi ngộ cần được quan tâm hơn để thầy cô an tâm trong công tác giáo dục.

Tổng Bí thư đã viết: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân”. Vì vậy, việc tự học và học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập càng đặt ra yêu cầu cấp thiết. Nếu không nỗ lực tự học, mỗi cá nhân sẽ tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Ngược lại, sự tự học, tự hoàn thiện và nâng cao chuyên môn, kỹ năng sẽ giúp chúng ta tự tin, chủ động đón nhận những cơ hội và đổi thay.

Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và phát triển giáo dục trong giai đoạn mới:

Thứ nhất, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy hệ thống, đồng thời cụ thể hóa và làm sâu sắc thêm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như quan điểm của Đảng ta về “Học tập suốt đời” và xây dựng xã hội học tập.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh tư tưởng học tập suốt đời đã được Đảng ta và Bác Hồ đề cao ngay từ những ngày đầu giành độc lập dân tộc. Bác Hồ từng khẳng định: “Khoa học kỹ thuật trên thế giới phát triển không ngừng, ai không học là lùi, công việc sẽ gạt mình lại phía sau”. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều vì con người và tư tưởng này tiếp tục được đồng chí Tổng Bí thư làm sâu sắc hơn trong bối cảnh Bộ Chính trị đang chỉ đạo quyết liệt công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy. Đây là một yêu cầu tất yếu, thể hiện sự nhất quán trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về việc học tập và học tập suốt đời. Tổng Bí thư cũng khẳng định:“Để thực hiện thắng lợi yêu cầu, nhiệm vụ, trọng trách trong giai đoạn mới, học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành những người hữu dụng đang là đòi hỏi cấp thiết đối với từng cá nhân, mỗi công dân, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên trong hệ thống chính trị”. Quả thực, nếu không có những con người hội tụ đầy đủ trí tuệ, hiểu biết, năng lực và kỹ năng cần thiết để chủ động, sáng tạo, dám quyết định và chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, thì không thể đạt được thành công. Việc học tập không chỉ giúp mỗi cá nhân phát triển bản thân mà còn góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ hai, đồng chí Tổng Bí thư nêu những thành tựu về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời nhưng cũng chỉ rõ những khuyết điểm còn tồn tại của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với việc học tập

Đồng chí Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong quá trình học tập và rèn luyện. Cụ thể, vẫn còn một bộ phận ngại học, một số cá nhân học chạy theo số lượng, bằng cấp mà thiếu chú trọng đến chất lượng, không gắn việc học với yêu cầu thực tiễn. Tình trạng thiếu tinh thần tự học dẫn đến tư duy bảo thủ, trì trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc và khả năng đổi mới. Điều này không chỉ làm suy giảm tinh thần dám nghĩ, dám làm mà còn khiến cán bộ, đảng viên thiếu nền tảng, kiến thức để đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, từ đó cản trở sự phát triển của đất nước.

Những nhận xét của Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu để mỗi cá nhân tự soi xét, tự đánh giá bản thân xem liệu mình có những khuyết điểm như vậy hay không. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang chuẩn bị hành trang để bước vào một giai đoạn phát triển bền vững và thịnh vượng, việc học tập càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Nếu cán bộ, đảng viên không chủ động học tập, trau dồi kiến thức và kỹ năng, liệu có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước hay không?

Thứ ba, Tổng Bí thư giao nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và mỗi chúng ta về học tập suốt đời trong giai đoạn mới

Trong đoạn kết của bài viết, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Học tập suốt đời là quy luật sống, là chìa khóa để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để phát triển thịnh vượng và bền vững”. Tổng Bí thư khẳng định vai trò quan trọng của học tập suốt đời và việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện nay. Việt Nam không thể đứng ngoài con đường hướng tới hạnh phúc, thịnh vượng nếu mỗi người dân không coi trọng việc học tập, đặc biệt là học tập suốt đời.

Đồng chí Tổng Bí thư cũng giao nhiệm vụ: để thực hiện thành công Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cần tận dụng công nghệ số như một phương tiện hỗ trợ mạnh mẽ cho việc tự học và học tập suốt đời. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc học tập trên nền tảng số là yêu cầu tất yếu. Công nghệ số sẽ giúp truyền bá tri thức, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người tự học và phát triển bản thân. Đặc biệt, vấn đề “bình dân học vụ số” sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận nền tảng số, từ đó nâng cao trình độ và tri thức một cách chủ động, hiệu quả.

Đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo rõ: “Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, học tập suốt đời." Đồng thời nhấn mạnh: "Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả việc học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đây không chỉ là một định hướng, mà còn là một mệnh lệnh, một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm góp phần xây dựng đất nước phát triển, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng mỗi cấp ủy đảng, chính quyền cần theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thí điểm các đề xuất mới, sáng tạo. Một điểm đột phá trong nhiệm vụ này là phải thường xuyên trao đổi, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vấn đề nảy sinh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và có chính sách điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, Tổng Bí thư khẳng định: mặc dù toàn hệ thống đã nỗ lực hết sức với tinh thần tận tụy, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, nhưng nếu vì lý do khách quan mà không đạt kết quả như mong muốn, chỉ đạt một phần mục tiêu hoặc gặp rủi ro, thiệt hại thì sẽ được miễn trừ trách nhiệm. Đây là một điểm rất mới, có ý nghĩa động viên, khích lệ mạnh mẽ tinh thần học tập, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Học tập suốt đời không chỉ giúp mỗi người bồi đắp tri thức mà còn rèn luyện, hoàn thiện nhân cách, nâng cao bản lĩnh chính trị để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Các cấp hội khuyến học đã đi đúng hướng, đúng con đường mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đúc kết và chỉ đạo - con đường xây dựng xã hội học tập theo định hướng của Đảng.

Nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong thời gian tới

Nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời là một chủ trương quan trọng, nhưng còn nhiều khó khăn phía trước. Để thực hiện thành công, chúng ta cần xác định những việc quan trọng phải làm trong thời gian tới:

Một là, các cấp hội cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị, báo chí, truyền thông lan tỏa mạnh mẽ tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đến cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và toàn dân, từ đó tạo nên sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Hai là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để triển khai, tổ chức quán triệt và thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Tổng Bí thư về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, cần phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình học tập; thúc đẩy phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời.

Ba là, thúc đẩy xây dựng nền tảng và cơ sở hạ tầng cho học tập suốt đời, trong đó chú trọng:

- Ứng dụng công nghệ thông tin để người dân có thể học tập bằng các phương tiện kỹ thuật số. Triển khai chương trình “bình dân học vụ số” nhằm hỗ trợ những người chưa thành thạo công nghệ.

- Phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở; đổi mới hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số, trang bị cơ sở vật chất hiện đại hơn để tạo điều kiện cho người học có thể tiếp cận kiến thức mọi lúc, mọi nơi, mọi nội dung.

Ngoài ra, có thể xem xét giao cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng, nhằm tăng cường cơ sở vật chất hiện đại, gia tăng độ phủ và tính linh hoạt trong giáo dục.

Thời gian tới, hội khuyến học các cấp sẽ triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy học tập suốt đời, bao gồm việc tổ chức trao học bổng “Học không bao giờ cùng”, tham gia giải “Nhân tài Đất Việt - Tự học thành tài” và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, trường đại học trong việc tổ chức học tập cho người dân tại các trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số. Hội Khuyến học tỉnh sẽ chủ trì các hội thảo, tọa đàm về “Khuyến học xanh - Hướng đi bền vững cho tương lai”, trong đó chú trọng nội dung “Tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh”; kiểm tra, giám sát hoạt động của hội cấp cơ sở nhằm rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cải tiến cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bài viết rất hay và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, như một lời nhắc, lời cảnh tỉnh đối với những đảng viên, viên chức, công chức có tính ỷ lại không chịu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại 4.0. Ở lĩnh vực giáo dục, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, nếu mỗi thầy cô không tự học, tự đổi mới thì học sinh cũng khó có thể phát triển tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, những kỹ năng quan trọng để thích ứng với thời đại.

Công chức Văn hóa -Xã hội

Nguồn ST             

 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 50964